Translate

vendredi 29 novembre 2013

Người Việt nam ở Tân đảo ăn uống như thế nào?

Món ăn dân tộc trong đời sống người phu mộ Việt nam ở Tân đảo (Vanuatu)




Ẩm thực Việt nam nơi đất khách
Hay nhưng món ăn thuần tuý VN ở Tân đảo
Những món ăn 100% Việt nam ở Tân đảo



Món ăn của người VN ở nước ngoài


Ghi theo lời kể của Jean Van Son - Vanuatu



Quê hương là chùm khế ngọt

Những ai đã từng sinh sống ở  thành phố Vila hoặc ở  Trại Tagabê trước đây chắc chắn sẽ không thể nào quên được các món ăn đặc biệt Việt nam được sản xuất  chế biến ngay tại địa phương. Hãy cùng nhau đi một vòng xem sao.

Bánh cuốn tôm Việt nam ngon tuyệt

Đây nhé:  ở trong  Sở Têuma thì có  món mắm tép ngon tuyệt mầu  đỏ au, thơm phức do bà cụ Hỷ chế biến. Suối Têuma chẩy thông ra biển  cả. Cửa suổi ở đây nước lợ cho nên tôm tép vô kể. Mỗi lần dùng rổ xúc được hàng kí. Loại tép sống ở vùng nước lợ có vị ngọt và mềm. 


 Tép suối Tiêu-ma  đỏ au không râu ngon tuyệt


Hoa chuối này làm món nộm thì tuyệt vời...

Các cụ thường hay làm món  tép nộm hoa chuối hoặc nộm rau muống luộc với mắm tôm chanh ớt. Chưa   ăn  đã thấy tràn nước miếng. Tép rang nhạt vắt chanh nhắm rượu whisky thì thôi rồi, đã lắm. Ở suối Tagabe tôm cá cũng rất nhiều. Ông Bính toét (chỉ vì lúc nào mắt cũng ướt) dùng nơm đi bắt một lúc cũng được vài ba  kí. Tôm rang muối có vị ngon đặc biệt, nhưng tốn cơm lắm.



Tôm hùm, tôm he, bề bề cũng ngon  nhưng chưa thấy ai chấm với... mắm tôm.

Mùa cá ruội (anchois) gia đình bà Hỷ cũng thường hay đánh bắt được hàng tạ  đem ra phố hoặc mang vào trại Tagabe để bán. Loại cá này ăn rất ngon. Nấu với dưa chua, kho nhừ hoặc phơi khô để chiên giòn, ăn quên hết sự đời.


Bây giờ cá ruội bói không ra, nhưng tôm hùm thì sẵn...

Dưa chua thì hầu như nhà nào cũng muối được. Ngon nhất là muối dưa cải tầu cuộn. Bà cụ Cai Son còn muối loại dưa cải nén cực ngon, dùng  ăn cả năm không hết. Đến mùa  rau  củ cải trắng hoặc xu-hào, cụ đem thái phơi khô dầm dấm chua cay hoặc dầm với xì dầu Kikoman Nhật, ăn thật tuyệt.
Các cụ còn có một thú vui nữa là hàng năm vào mùa nước cạn tháng 7, tháng 8, trời se lạnh. Mấy cụ rủ nhau mang ghế gỗ, rượu và đồ gia vị ra bãi đá ở Máy Cà-phê. Dùng dao nậy hà biển, vắt tí chanh hạt tiêu, lấy thìa múc, tợp tí rượu uých-ki, suýt soa: sống trên đời nhắm món hà tươi...


Hào (huitres) tươi ngon béo ngậy...



Đặc sản của Vanuatu là cua dừa rang muối theo kiểu Việt nam
chắc chắn khó có món gì có thể so sánh được.

Ở Máy cà-phê thì có món nước mắm cá  ruội, cá mòi do bà cụ Cai Son nấu. Loại nuớc mắm này rất thơm ngon, cũng gần giống như nước mắm Phan thiết bây giờ. Thỉnh thoảng được mẻ mắm ngon, cụ chỉ đem cho hoăc biếu chứ không bán. Về sau bọn Tây nó cấm, vì khi  bắt đầu nấu  nó nặng mùi chượp. Người Tây họ cũng  thích ăn nước mắm, nhưng lại sợ ngửi mùi chượp.
Tô phở nạm gầu nước dùng trong veo đậm đà hương vị

Đặc biệt có món phở nổi tiếng của ông Tách ở máy Cà-phê. Người ta gọi là “phở Tách”. Mùi thơm của phở thơm ngon đến độ đi ngoài đường cũng thấy ngào ngạt. Mùi thơm của nước phở  ninh xương bò có sá sùng, thảo quả cộng vơi mùi thơm của mùi ta, hành hoa và các loại rau thơm khác thì không thể lẫn vào đâu được. Tây mê phở Tách hơn cả người Việt.




Giò lụa nguyên chất thơm phức

Ngoài ra còn có món giò lụa, giò mỡ, giò bì  ngon tuyệt của  ông Tư ở cạnh cầu Tagabe và món giò của ông Bùi như Lạc còn gọi là ông "Lạc giò"  ở Máy cà-phê. Gập đôi  khoanh giò thơm phức dẻo kẹo không bị gẫy, không vỡ mới là giò ngon. Giò Vila hồi ấy, không thể nào tìm thấy ở nơi khác được vì nó bảo đảm 100% thịt lợn nạc giã bằng tay, chứ không xay bằng máy và pha trộn phụ gia  như bây giờ. Mùi thơm của giò thật đặc biệt, không gì có thể so sánh được.


Món nộm chân gà nhiều người ưa thích

Trong những đám cưới, người ta thường chế biến đủ 6  món giò: giò lụa, giò bì, giò mỡ, giò thủ, giò nạc bọc trứng hình trái tim, giò nạc bọc bì lợn v.v... và không thể thiếu các món nem chạo, ninh, mọc. Còn thịt gà hoặc ngan thì chỉ luộc chấm muối tiêu chanh ớt là hợp khẩu vị  nhất. Thịt bò hoặc thịt dê ở đây chỉ áp chảo hoặc xào xả ớt là ngon hơn cả. Có người ăn thịt bò sống chấm nước mắm gừng ớt giống như người Nhật ăn món cá tươi sashimi chấm dầu hoa cải Washabi vậy. Cực ngon!
  

 
Thịt dê tái chấm nước mắm tương gừng
 

   
Thịt cá thu tươi sống chấm dầu cải wasabi hoặc xì-dầu Kikkoman thì thôi rồi... Còn có tên gọi là sashimi theo tiếng Nhật bổn.


  

Món gà "lô-can" mà luộc chấm muối chanh ớt chẳng có ai chê
 



Măng bương nặng cả chục kí. Rất mềm có vị ngọt 

Trong rừng thì chẳng thiếu các loại măng nứa, măng tre, măng bương. Bương là loại tre to, có đường kính tới 40 – 50 cm. Một búp  măng bương cân nặng cả chục kí. Trong các mâm cỗ không thể nào thiếu món măng khô hoặc măng tươi được.


Tây cũng rất thích món chân giò nấu măng khô này

Ở trong Tagabe, người ta trồng đủ mọi thứ rau xanh và các loại rau thơm. Từ rau muống, cần ta cho đến các loại rau thời vụ. Mủa nào, rau nấy. Nghe đâu các loại hạt giống đều được mang từ Việt qua từ những năm 1920 gì đó. Thậm chí các cụ còn trồng cả rau sà-lách  trái vụ mùa hè nữa như gia đình cụ Xuyến chẳng hạn.  Các cụ giỏi thật! Bây giờ mùa hè chẳng tìm đâu ra ra sà-lách.... Đến mùa cà thì đủ các loại: cà chua, cà dái dê, cà pháo, cà bát v.v...


Thì là - Lá mơ tam thể - Mùi tầu - Rau răm là những thứ không thể thiếu.

Không hiểu tại sao lại gọi là cà pháo? Có lẽ khi cắn quả cà muối nó nổ bôm bốp chăng. Dù sao trong bữa ăn mà có cà muối xổi chấm mắm tôm chanh ớt, ăn với canh mồng tơi nấu tôm khô thì không gì có thể ngon hơn được! Ở đây khi không có rau mồng tơi ta thì dùng rau mồng tơi đen gọi là ca-bích ai-lan để ăn cũng ngon lắm.



Canh mồng tơi ta hoặc mồng tơi đen đều đậm đà hương vị


Bây giờ lớp con cháu lại thích thay đổi khẩu vị...


Cà pháo, mắm tôm chanh ớt... quên hết sự đời.

Chưa hết. Cho đến tận bây giờ, người ta vẫn đặt câu hỏi: làm thế nào mà các cụ nhà ta lại nghĩ ra được cái món cà muối xổi, chấm mắm tôm chanh tỏi ớt nhỉ?  Một món hết sức đơn giản mà lại cực ngon, ăn không biết chán! Và tại sao cà muối chấm nước mắm, muối hoặc xi-dầu lại chẳng ra gì ? Ngay cả Tây khi ăn cà muối, họ đều đòi được ăn với mắm tôm Việt nam mới thấy hơp khẩu vị...


Món "vây cá mập" ngon bổ nhưng tốn công lắm...

Còn nhớ mãi món "ám" của cụ Xuyến nấu. Không rõ nguồn gốc của chữ "ám" là gì, thấy các cụ gọi vậy thì gọi theo thôi. Đó là món cá viềng hoặc cá mập ướp gia vị chua cay  nấu  với củ chuối băm nhỏ. Khi chín thì cho tía tô, lá lốt thái nhỏ bốc mùi thơm lừng, cả xóm phải chạy sang xem cái gì mà thơm ngon thế! Món chuối xanh nấu với ốc biển hoặc sò mà lại  được  chính  tay cụ nấu thì cũng ngon tuyệt...


Trái Thanh long (Pythaya) tuyệt đẹp mới được nuôi trồng tại Vanuatu

Tin vui: Trái Thanh Long tuyệt ngon đã được trồng nhiều tại Tân Thế giới và Vanuatu
Hồi xưa  ở Tagabe  có món đậu phụ ngon nổi tiếng của ông Tý. Bây giờ thi có chị Thanh con dâu bà Đại tiếp tuc sản xuất đậu phụ, ngon không kém.





Lòng lợn tiết canh thì chẳng có ai chê bao giờ cả...

Lòng lợn, tiết canh cũng  là món ẩm thực khoái khẩu ưa thích cúa người Việt. Món này không ai làm ngon bằng bố con ông Thử. Ngay cả bọn Tây cũng thích, chúng còn khoái ăn món chân lợn nấu  giả cầy. Riềng, mẻ, mắm tôm, là không thể thiếu khi nấu món dựa mận mà người ta đùa  đặt tên tây là món vitamin “gâu gâu”.




Trên bàn ăn chắc chắn món vi-ta-min "gâu gâu" đứng đầu bảng



Người Việt chưa thấy ai trộn tiết canh vào cơm để ăn, nhưng Tây họ xơi  ngon lành.  Ngoài ra, món tái dê,  tiết canh dê, tiết canh ngan cũng rất được ưa chuộng. Gỏi cá thu, cá mòi thì chẳng có ai  chê bao giờ cả. Sướng nhất là món nước sốt chế biến cầu kỳ và cũng  cực kỳ thơm ngon dùng ăn với gỏi cá thu vàng ươm ướp riềng và thính. 



Ai thích thưởng thức món hải sâm thì chỉ cần ra bãi biển mà nhặt. Hải sâm làm sạch phơi khô hoặc sào tươi ăn rất ngon. Món này trước đây không ai biết ăn. Vừa qua, chi Trần Dung con gái bà Cư sang Vanuatu chơi và bầy cách chế biến hải sâm nên bây giờ nhiều người bắt đầu ăn. Nghe đâu ở Việt nam, nó là đặc sản quý.






Còn ở Tân đảo  thì có món dơi nầu giả cầy theo kiểu  Việt nam cũng là một đặc sản. Dơi ở đây to lắm. Có con sải cánh dài hơn một mét, nặng tới một kí luôn. Vứt chúng vào đống lửa cho cháy hết lông. Cạo sạch thì cũng vàng  rộm và thơm như thui dê  vậy. Xắt miếng, ướp  gia vị,  mắm tôm, riềng, mẻ. Chưa nấu đã thấy ngon mê hồn.



Chả nem rán ăn kèm rau lộc và gia vị quên hết...  sự đời.

Chưa hết. Nói đến món chả nem bây giờ thì cả thành phố Port Vila và một số vùng lân cận đều biết. Người ta nói là nếu muốn ăn chả nem ngon đậm đà hương vị Việt nam thì phải đến cửa hàng bà Đại ở Litchees Store, ở ngay đàu dốc Cô-lạc-đô. Hầu như mọi người đều ca ngợi là chả nem ở đây ngon. Nhiều người dân bản xứ đã ví mùi vị của chả nem ở đây giống như mùi chả nem  của người Việt hồi xa xưa ở Tân đảo.


Chả nem cuộn bánh đa bột mì ăn rất giòn kể cả lúc nguội.


Thịt cầy tơ ướp gia vị mà đặt lên bếp than hồng thì ... thôi rồi.

Ai bảo Tân đảo không có thịt cầy bẩy món 

Có cả Gỏi cá thu vàng (yellowfine) trên cả tuyệt vời...


Như thế này mới đích thị là tiết canh dê đây
 



Bánh chưng xanh

Hàng năm mỗi lần Tết đến là người ta nhớ đến dưa hành và bánh chưng xanh.
Nhưng bánh chưng ở đây không ngon bằng bánh chưng ở Việt nam vì gói bằng gạo nếp Thái lan. Cũng dẻo nhưng không có mùi vị thơm như bánh chưng Hải dương hoặc Nam định.


Sống xa quê hương cả mấy chục năm, nhưng hầu như  bà con ai cũng đều ăn món ăn Việt thuần tuý, mang đậm tính ẩm thực dân tộc. Đến độ, có nhiều bạn người Pháp hoặc bản xứ khi đã nếm món giả cầy chân lợn hoặc món phở bò rồi thì không thể nào bỏ qua được nữa. Nó trở thành thói quen nhớ đời và họ cứ tấm tắc khen hoài: món ăn Việt nam ngon tuyệt....

Xin mời quý vị click vào link dưới đây đ nghe bài hát vẩm thực của các nước, trong đó có đoạn viết về "chả nem" của Việt nam:



Xin kính chào và chân thành cảm ơn quý vị Độc giả, bà con cô bác và anh chị em xa gần. Xin chúc mọi người dồi dào sức khỏe, niềm tin hạnh phúc gia đình.




4 commentaires:

  1. Hoan hô Jean Van Jean! Bài viết hay, hình ảnh chân thật và tươi sống...

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. Chào bạn Nhật Tân Hà,

      Rất hân hạnh và xin chân thành cảm ơn bạn đã xem và chia sẻ với lời bình tốt đẹp.
      Chúc bạn và gia đình luôn vui khỏe và may mắn...

      Supprimer
  2. Bài viết hay quá. Được ở Vanuatu ăn thực phẩm sạch, ngon lành, lại nấu theo kiểu Việt Nam đúng là một cái sướng. Người Việt mình đi đâu cũng thèm món quê nhà bác Jean Van Jean nhỉ? Cháu ngạc nhiên nhất là ở những hàng đồ ăn nhanh của Tây, của Đen cũng thấy bán món "nem".

    RépondreSupprimer
  3. Chào bạn Hoàng Đặng Thái,

    Rất vui được độc giả đã từng đặt chân đến đất nước Vanuatu ghé thăm, bình luận và chia sẻ.
    Đúng như vậy. Từ thuở các cụ xa xưa cho đến thời con cháu của các cụ bây giờ, món ăn truyền thống của Việt nam vẫn đồng hành với cuộc sống đời thường của người Việt.

    Nhưng cũng rất tiếc là một số con cháu thế hệ bốn, thế hệ năm đã bất đầu quên món ăn Việt. Chúng không còn ăn mắm tôm. Không dám ăn thịt chó. Thậm chí còn lên án những người ăn thịt chó. Chúng thích pizza, hamburger hơn là ăn phở. Đúng là sự tiến hóa cua nên văn minh nhân loại.

    Món ăn Việt rất nổi tiếng. Chả thế mà một số cụm từ, danh từ đã được đưa vào từ điển Larousse: nem, nuoc mam, pho v.v...

    Xin cảm ơn và Chúc bạn luôn vui khỏe và may mắn...

    RépondreSupprimer