Translate

vendredi 25 octobre 2013

Di sản Văn hoá của người VN ở Tân đảo - Vanuatu.


DI SẢN VĂN HÓA
CỦA NGƯỜI PHU MỘ VIỆT NAM
Tại Tân đảo New Hebrides/Vanuatu


Ghi theo lời kể của Jean Van Son - Vanuatu



Hình ảnh Người Phu mộ Việt nam ở Tân đảo thời kì 1938-1939



Trước khi đi vào “đề tài” chính, Văn xin phép được nêu lên một vài tin sốt dẻo của năm 2012 VÀ 2013  như sau:


Một là Cuộc hành hương lịch sử trở về thăm lại cội nguồn của trên 8 chục anh chị em nguyên là VK Tân đảo - Tân Thế giới , Đoàn do các ông Trịnh Tài và Trần Ngọc Bích đđầu.  Sau 50 năm xa cách đã từ Hải phòng trở lại  ngày 06/10 đến 13/10/2012 tại Port Vila Vanuatu. 



Hai là Đoàn VK Santo Vila do các ông Nguyễn Văn Thuận và Phạm Bình Tuân dẫn đầu cuối năm 2013. Đúng vào dịp mà chúng ta đang bồi hồi nhớ lại cũng những ngày này cách đây 50 năm, VK Vila và Santô đã hồ hởi bước chân lên con tầu Hoàng hậu Phương đông để đi đến một phương trời mới. Xin mời bà con đón xem bài viết và hình ảnh đã đăng tải trên Blog có tiêu đề: ”Cuộc hành hương trở về cội nguồn...”



Ba  là Chuẩn bị kỉ niệm 70 năm (1944-2014), ngày các Cụ, các chú bác và bà con  phu mộ xây dựng những công trình kiến trúc văn hóa to đẹp tại Thánh điạ Mê-lê, tại Nghiã trang Port Vila và một số công trình khác.


LỜI MỞ ĐẦU

 Cuộc sống “Tha phương” vô cùng gian truân, khổ cực cuả người Phu mộ Việt nam tại Tân đảo từ cuối thế kỉ 19 sang đầu thế kỉ 20 đã ghi lại dấu vết sâu đậm của chế độ thực dân hà khắc, vô cùng tàn bạo  tại vùng Nam Thái Bình dương. 

Tại Châu Phi, Châu Mỹ có nô lệ da đen ai cũng đều biết. Nhưng ở Tân đảo, một trang sử bi ai đã được sử sách ghi lại, người ta coi dân phu mộ Việt nam  là nô lệ “da vàng” của thời kì đen tối nhất tại nơi đây. Trên thực tế, cuộc sống khổ ải của đời cu-li phu mộ thời bấy giờ còn tồi tệ hơn cả nô lệ gấp bội phần...


Hình ảnh người cu-li phu mộ VN bổ dừa trong một đồn điền trồng dừa
ở Tân đảo - New Hebrides năm 1928 (ảnh internet)


Chính trong vũng lầy cùng cực của sự áp bức dã man của chủ đồn điền thời đó đã tạo nên mầm mống đấu tranh cho Tự do và Công lý trong hàng ngũ  những người cu-li phu mộ Việt nam. Những  tấm gương tiêu biểu trong vụ án Malo Pass đã phải trả giá bằng sự hy sinh oanh liệt dưới lưỡi đao tử thần của máy chém thực dân ngày 28/07/1931 tại trại lính Bảo an Port Vila. Cũng như sự hy sinh cao cả của hai người phu mộ bị đàn áp và sát hại trong cuộc biểu tìnhTổng đình công năm 1945 tại Sở Ra-tà ở Santô đã được ghi vào trang sử hào hùng của người phu mộ Việt nam.


Bia mộ 6 người công nhân phu mộ Việt nam bị hành hình tại
trại lính Bảo an (Milice francaise) ở Port Vila Tân đảo.


Những tấm gương hy sinh quả cảm bất khuất đó đã góp phần quyết định mang lại quyền sống Tự do, Công lý và quyền bình đẳng cho hàng vạn dân phu mộ Việt nam lúc bấy giờ. Là tiếng chuông cảnh tỉnh cho bọn chủ thực dân và chính quyền sở tại.

 

Cũng chính trong thời điểm đó, phong trào liên kết giữa các khối đồng hương, đồng Tỉnh đã được nhen nhóm bằng việc xây dựng các Tỉnh bộ, các Đoàn thể.


Sớm nhất, có lẽ là Hội đồng Công giáo tại giáo xứ Mê-lê do cụ Bùi văn Nghịnh, cụ Gạo Hoàng Xuân Khất chủ trì. Một hình ảnh sống động minh chứng sự việc đó, chính là cổng chào bằng bê-tông cốt thép vẫn trụ vững sau 70 năm xây dựng. Công trình này là một trong những kiến trúc lâu đời nhất tại đảo Va-tê và đã trở thành di sản văn hoá cuả người phu mộ Việt nam.



    Cổng chào xây năm 1944
           tại Thánh địa Mê-lê



Toàn cảnh Công chào tại Mê-lê


Câu đối hai bên trụ Công chào bằn chữ Nho. Con cháu không ai đọc được.

Bãi biển phía trước của Khu Nhà thờ Mê-lê đã trở nên nổi tiếng sau cuộc đổ bộ lích sử của quân đội Hoa kì trong những năm 1942-1943, nhằm ngăn chặn sức tiến công của quân đội Nhật hoàng từ phía Solomon tràn xuống phía Nam Thài Bình dương.





Trên đây là một số hình ảnh về Cổng chào tại Thánh địa Mê-lê và khu bãi biển mà quân đội Mỹ đã đổ bộ năm 1942-1943.


  

Đây là hình ảnh Lễ đài và Công chào khu Nghĩa trang cũ của giáo dân VN tại Port Vila Tân đảo được xây dựng vào năm 1944.

Cũng trong thời gian này, tại Port Vila, cổng chào và đài tưởng niệm của Nghiã trang Công giáo cũ đã được xây dựng với sự đóng góp của cộng đồng giáo dân Việt nam. Kiến trúc mang đậm nét phương Đông. Hoạ tiết hoa văn đơn giản nhưng tôn nghiêm. Các câu đối hai bên Lễ đài, nếu đọc được sẽ nói rõ tất cả. Trải qua bao nhiêu biến cố thiên tai khắc nghiệt, nhưng các công trình kiên cố vẫn đứng đó, như muốn thách thức cả với thời gian.


   

Ai đọc được hai vế câu đồi này, tất sẽ hiểu rõ được tâm tư thầm kín của các vị Tiên bối.

 Lđài Tưởng niệm tại Nghĩa trang người VN ở Port Vila Vanuatu.

Sau đó ít lâu, một Nghiã trang mới được xây dựng phiá tay phải đối mặt với Nghiã trang người châu Âu còn gọi là nghiã trang của Tây. Đặc biệt khu Nghiã trang mới của người Việt giáp ranh với nghiã điạ dã chiến của binh lính Mỹ tử vong ở Solomon đưa về chôn cất nơi đây trước năm 1945.

Sau Thế chiến thứ hai, năm 1947-1948 người Mỹ đã chuyển hết hài cốt trở lại quê hương của họ ở Hoa kỳ.

Cổng chính và Lđài tưởng niệm tại Nghĩa trang người Việt

Nghiã trang dành riêng cho người Việt nam thời đó đã được các cụ tính toán, định vị phương hướng quay về phương Bắc.

Lễ đài Tưởng niệm được xây dựng kiên cố, kiến trúc theo truyền thống Á đông. Các hoa văn họa thiết tuyệt đẹp và cân đối đã nâng giá trị của tổng thể kiến trúc thành một công trình di sản văn hoá của khối cộng đồng người Việt nam ở Hải ngoại nói chung và ở Port Vila Tân đảo nói riêng.

Các cột trụ tam cấp ở cổng chính không hoa văn họa tiết nhưng vô cùng uy nghi đã tôn thêm sự hài hòa của tổng thể công trình. Các cụ lúc đó đã nghĩ đến việc làm hàng rào kiên cố bằng bê-tông và ống thép mạ kẽm để bảo vệ khu nghiã trang dành riêng cho người Việt nam mình.

Nghĩa trang người Việt Nam  tại Port Vila Vanuatu

Cho đến ngày nay, người ta vẫn thắc mắc và đặt dấu hỏi như thế này: những công trình bề thế và uy nghi như thế đã được xây dựng trong bối cảnh mà cộng đồng người Việt nam đang còn thiếu thốn, nghèo nàn vừa mới chân ướt chân ráo thoát khỏi vòng nô lệ. Như vậy lấy tiền đâu ra mà xây dựng?


Lđài Tưởng niệm tại Nghĩa trang người VN

Theo nguồn tin mà rất nhiều bà con Việt kiều thường nhắc đến thì công lao lớn nhất thuộc về bà Nguyễn Thị Bút là vợ chú Lô Pô, thường gọi là ông Lã Bố người Tầu.
Họ đã ủng hộ phần lớn tiền chi phí cho việc xây dựng các công trình nói trên. Đồng thời có sự tham gia tích cực của các tổ chức như Long vân Khánh Hội, các Tỉnh bộ Nam định, Hải dương, Thái bình, Ninh bình, Hà nam, Kiến an, Hưng yên và một số cá nhân khác.
Người ta còn nhắc đến Liên đoàn Thợ thuyền Việt nam, sau này trở thành Việt nam Công đoàn và Liên đoàn Aí hữu.

   


Các ông Lưu đình Tuân, Phạm Quyết Chiến và Đông Hoàng đã dịch như sau:
Bên phải: "Than ôi! Đồng bào ta đã theo Chim Hồng bay về Phương Bắc"
Bên trái: "Tiếc thay! Dòng giống cốt nhục này vẫn ở mãi với Trời Nam




Một số hình ảnh của các Công trình kiến trúc được các Cụ xây dựng cách đây 70 năm.



Hàng rào bê-tông và ống thép mạ kẽm do cụ Nguyễn Văn Hộ chi đạo
xây dựng năm 1948 văn đứng vững.

Sau đó 10 năm. Vào quãng 1954, một công trình khác của cộng đồng giáo dân Việt nam ở Port Vila đã xây cất lên một Nhà thờ uy nghi  ngay tại khu đất thánh thuộc dòng tu tôn thờ Đức Bà Đồng trinh “dòng mariste” ở trung tâm thành phố. Đó là Nhà thờ Giáo xứ Thiên môn do Đức Cha Nguyễn Năng Vịnh chủ trì xây dựng.

 
Nhà thờ Giáo xứ Thiên môn Port Vila Vanuatu

Và cách đây 10 năm. Năm 2004, ông Joseph Ngô Văn Vũ và cộng đồng giáo dân Port Vila đã xây dựng Lễ Đài Tưởng niệm ghi danh những người đã có công đóng góp sức người và tiền tài xây dựng Giáo xứ Thiên môn và các công trình kiến trúc khác.

  

Các cụ ngày xưa thường nói: “Trăm năm Bia đá thì mòn, Ngàn năm bia miệng vẫn còn... trơ trơ”. Và mỗi khi có dịp ngắm nhìn những công trình vĩ đại ấy, người ta lại bồi hồi nhớ đến công sức đóng góp của bao nhiêu con người, trong đó có bao nhiêu bàn tay vàng và tâm huyết của các bác thợ giỏi, xuất thân từ dân phu mộ chân lấm tay bùn tôn tạo nên.

Đến lúc nào đó những công trình tuyệt vời ấy cũng có thể sẽ bị thời gian đưa về với cát bụi như chính con người vậy. Nhưng người đời sẽ mãi mãi không quên những công trình kiến trúc độc đáo mà chính Cha, Ông chúng ta đa từng xây đắp trên Đất khách, Quê người... Một Di sản văn hóa của người Phu mộ Việt nam ở Tân đảo.

 

Và một điều cơ bản nữa cần nhắc tới, đó là sự quan tâm và nhiệt tình của các lớp con, cháu của người phu mộ trong việc chăm sóc, sửa sang, bảo quản các công trình của cha ông để lại cùng những mộ phần tại Nghiã trang Port Vila.

Và may thay. Các con, cháu đã không quên và luôn làm theo lời căn dặn của các cụ: “Xây dựng được công trình đã khó. Nhưng giữ gìn và bảo vệ được nó lại càng khó hơn”


 




Bãi biển Mê-lê. 70 năm về trước, đây là nơi Quân đội Hoa kì đổ bộ năm 1943.


Xin kính chào và trân trọng cảm ơn Bà con anh chị em đã nhiệt tình xem trang Blog. Xin mời Quý vị bấm vào đây để xem trang ảnh Vanuatu của jeanvanjean:

Hãy click vào ảnh để phóng đại. Xin chân thành cảm ơn và xin chúc Quý vị VUI KHỎE...








Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire