Translate

vendredi 15 mars 2013

Khánh Hội Long Vân

Khánh hội Long vân

tại Port Vila Tân đảo - New Hebrides (Vanuatu)




Cảnh núa rồng (ảnh minh họa internet)

Ghi theo lời kể của Jean Van Son - Vanuatu

Đôi điều về cái tên "Khánh hội  Long vân" trên trang Blog này. Có phải là chỉ chọn tên cho đẹp không? Xin thưa rằng: không hoàn toàn như vậy, vì cái tên đó nó có một nguồn gốc "lịch sử" nhất định đối với đời sống văn hoá của người phu mộ Việt nam ở Tân đảo sau thời kỳ nô lệ. Nó đánh dấu cho sự khởi đầu của một cuộc sống mới trong Tự do và Công lý.

Ảnh Gia Đình cụ Nguyễn Dức Xuyến năm 1950 ở Tagabê.


Theo câu chuyện kể của cụ Nguyễn Đức Xuyến ở Tagabê hồi xa xưa, thì đó là cái tên của Hội múa rồng đầu tiên của người cu-li phu mộ Bắc kỳ mà Tây gọi là tông-ki-noa (tonkinois) ra đời vào quãng năm 1943-1944. Được đặt tên là Khánh hội Long vân tức Hội múa rồng nhằm vinh danh con người Việt nam, dòng dõi con Rồng cháu Tiên.

Hội này được tổ chức và hình thành tại đồn điền Bla-đi-nie, quen gọi là Sở Cặp-tên. Đường quốc lộ chính từ thành phố Vila đi vào làng Mê-lê đi qua đây, tạo thành một ranh giới tự nhiên với khu Tagabê của ông Phùa (LG Frouin) và đồn điền Bladinieres có sân bay dã chiến của quân đội Mỹ.

Đến năm 1946, khu vực Tagabê trở thành nơi tập trung của người phu mộ VN đặt tên là Trại Việt nam số 2, có trụ sở của Hội Việt nam Công nông đoàn Tân đảo. Cụ Xuyến lúc bấy giờ cũng là một trong những người sáng lập và chỉ đạo tổ chức của Khánh hội Long vân nói trên.

Rất đáng tiếc là Hội này chỉ tồn tại đến năm 1947, khi con tầu "Ville d'Amiens" thực hiện chuyến  đầu tiên ở Tân đảo chở trên 550 bà con Việt kiều hồi hương về Hải phòng. Một số lãnh đạo chủ chốt và hội viên của Khánh hội Long vân đã về nước trên chuyến tầu này. Sau này Hội Việt nam Công nông đoàn đã kế tục và duy trì được tinh thần hoạt động của Khánh hội Long vân. Cũng vẫn tiếp tục tổ chức biểu diễn múa rồng, múa lân trong các ngày Hội lớn. Nhưng không còn múa Hạc và rùa nữa.

Anh chị em VK trại VN số 3 Ba lăng  Santô biểu diến Múa Lân


Bù lại, số thanh thiếu niên thế hệ thứ hai tiếp tục sự nghiệp của chú, bác và sáng tác điệu múa "Lân phun lửa". Điển hình là các anh Thuỷ Cước, Đạm Biến, Thoa Xuyến, Định Giẻo, Đại Cai Son, Thế Tân v.v...và nhiều anh chị em khác. Họ vừa múa sư tử theo nhịp trống vừa phun dầu hoả vào cây đuốc đang nhẩy múa trước mặt, biến thành cụm lửa hồng sáng loè dài hàng mét. Tạo nên một không khí náo nhiệt, vô cùng hào hứng và ấn tượng. Thế hệ con cháu của người chân đăng sau này vẫn gìn giữ và phát triển được truyền thống văn hoá của các cụ đã dầy công xây dựng. Thật không hổ danh: "Cha truyền con nối".

 1960-1964. Thanh niên VN thế hệ thứ hai tiếp tục sự nghiệp của Cha ông chú bác.
Trong ảnh từ trái còn nhận ra các vị nghệ sĩ: Tân Hạng - Hiệu Khung (Santo) Xuân Nhị - Thế Tân - Thủy Cước - Vinh Ức - Ước Cố - Thế Xểnh -




Khánh hội Long vân ra đời đã đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong đời sống văn hoá của người phu mộ Việt nam tha phương cầu thực trên một đất nước xa lạ. Người ta tự hỏi: tại sao hồi ấy các cụ nghèo như vậy mà đã tạo ra được những con rồng khổng lồ, mầu sắc sặc sỡ  cực đẹp trông như thật, dài tới 15, 20 mét. Nhất là khi rồng uốn lượn theo nhịp trống, trông thật uyển chuyển và đẹp vô cùng. Tại sao dân cu-li quanh năm chân lấm tay bùn, đa số xuất thân là nông dân mà sao cũng khéo tay tạo được những đầu sư tử, đầu rồng, kỳ lân, hạc rùa cực đẹp, trông như thật. Đặc biệt đầu sư, lân với bộ mặt rằn rì dữ dằn và đôi mắt  đỏ long lanh đã làm cho bọn trẻ con chúng tôi chỉ dám đứng đằng xa mà ngắm nhìn. Người ta còn trầm trồ khen ngợi những chú hạc, rùa, khỉ và nhất là những chú hề bụng phệ đeo mặt nạ với nụ cười dài toạc đến tận mang tai. Các bác "thợ" lúc bấy giờ quả là những nghệ nhân có bàn tay vàng mới tạo ra được nhưũng con thú cự kỳ đẹp và lộng lẫy.

         





Ảnh 1. Bac Tẩm biểu diễn trống. Ảnh 2 và 3. Bác Lạc và đội múa sư lân tại đảo Santo

Để biểu diễn được những điệu múa đúng bài bản của các con thú. Các bác, các chú đã phải mất rất nhiều công để luyện tập. Những tay múa rồng, sư lân và những tay trống, thanh la, nạo bạt phải kết phối hợp nhịp nhàng, uyển chuyển mới tạo được những pha múa đẹp mắt và hào hứng... Thích nhất là xem các chú hạc, chú rùa với cái đầu lắc lư mò mẫm tìm đớp những đồng tiền đô-la Mỹ, đồng frăng Pháp mà khán giả vừa quăng xuống để thưởng thức tài nghệ của các nghệ nhân và tài tử biểu diễn.






 

Đồng tiền Đô la Mỹ, Franc Pháp, Úc v.v... (Internet) tiêu dùng từ 1942.

Người xem lúc đó đông nhát là lính Mỹ, họ rất hào phóng ném tiền xuống đất và cổ vũ nhiệt tình. Chúng ta chẳng bao giờ quên được các bác "nghệ nhân" hồi ấy. Nào Bác Tu múa hạc, bác Phình múa rùa, bác Tịch đóng vai hề. Bác Mạnh, bác Cân, bác Ích, bác Tụng, bác Huyên, bác Biến, bác Đoản và nhiều bác khác múa rồng, sư lân, múa côn đánh quyền v.v... Còn đánh trống thì không ai bằng bác Tẩm, bác Huyên, bác Tác.

Người ta cho rằng: sự ra đời thành công của Khánh hội Long vân chính là nhờ vào điều kiện hoàn cảnh lúc bấy giờ. Đặc biệt rõ nét nhất là sự có mặt của quân đội Mỹ ở Tân đảo. Nó đã tạo sức mạnh làm cho cuộc sống sinh hoạt của bà con phu mộ được cải thiện nhanh chóng. Mặt khác, từ năm 1942 số phu mộ còn làm việc trong "giao kèo" cho các chủ đồn điền còn lại rất ít. Trong số đó chỉ còn lại một số bà con đến Tân đảo cuối cùng những năm 1939-1940 mà thôi. Còn lại đa số đã hết hạn hợp đồng 5 năm. Họ đã thoát ly đi tìm chủ mới hoặc ra Thành phố làm nghề tự do.

Về trang tư liệu thời đó có đoạn như sau;


 


Ngày 23/04/1942, quân đội Mỹ (Hoa kỳ) đổ bộ lên các đảo của New Hebrides tức Tân đảo. Quân số đông nhất là ở Santô, với hơn 200 ngàn binh sĩ. Cuộc đổ bộ của lính Mỹ nhằm ngăn chặn quân đội Nhật hoàng đang có nguy cơ tràn xuống phía Nam Thái bình dương. Nhiều trận chiến lớn đã xẩy ra giữa Mỹ và Nhật tại Guardocanal ở Solomon.


Sự hy sinh của quân đôi Hoa kì không phải nhỏ (ảnh internet)

Sự hiện diện của quân đội Mỹ đã làm cho nền kinh tế và chính trị ở Tân đảo vôn dĩ nghèo nàn, lạc hậu trở nên trù phú trong chớp nhoáng. Mỹ đã khai phá, xây dưng đường sá giao thông vòng quanh đảo, xây dưng cảng Hải quân ở Port Havannah, mom Malapoa. Xây dựng sân bay quân sự ở Sở Bladinières, Siviri ở đảo EFATE. Xây dựng sân bay quân sự ở Santô, Cảng lớn tại eo Canal, khu quân sự ngay tại Luganville.


 Máy bay Mỹ gầm rú trên bầu trời Tân đảo (ảnh internet)

Trước đó, Tân đảo không biết máy bay, tầu ngầm là gì. Bông dưng chỉ trong vòng vài ngảy, tại thủ phủ Port Vila người ta thấy trong Vịnh hằng hà sa số tầu chiến, tầu ngầm, tầu sân bay. Trên đường tràn ngập lính Mỹ, các loại xe cộ, xe bọc thép chạy rầm rập. Trên trời thì tiếng gấm rú của máy bay,  cảnh náo động đã làm cho không khí như nghẹt thở, đồng thời cũng làm cho người ta kinh hãi.

Phi công Mỹ tại New Hebrides - Ảnh Internet

Riêng ở Sở Đề-găng (des Granges), quân y viện dã chiến Mỹ có khoảng trên 2.000 giường nằm để cứu chữa binh sĩ bị thương vong ở chiến trường So-lô-môn.

Buôn bán lập tức trở nên tấp  nập. Nhiều người đã trở nên giầu có nhanh chóng vì đồng tiền đô-la. Một số người đã mở hiệu giặt đồ, quần áo cho lính Mỹ. Một số bà con có gan đã dám buôn rượu lậu, kiếm lời rất lớn. Lúc bấy giờ nhà chức trách địa phương cấm người Việt không được buôn rượu. Muốn mua một chai Whisky cũng phải xin giấy phép.

Đến cuối năm 1945 thì quân đội Mỹ chuyển quân đi nơi khác. Họ để lại các thiết bị quân sự. Có người  mang rượu Whisky đổi lấy  xe Jeep hoặc xe tải GMC. Tân đảo giầu lên vì sự có mặt của quân đội Mỹ lúc bấy giờ. 

Ban Văn nghệ Thanh thiếu niên Trại số 2 Tagabe
   

Chắc những bạn thuộc thế hệ thứ hai của người "chân đăng" phu mộ thời đó như tôi, chúng ta không thể nào quên được những giây phút thần tiên, hạnh phúc nhất thời thơ ấu của đời mình. Khi mà lần đầu tiên trong đời, chúng ta được xem múa rồng, múa sư tử, kỳ lân. Cả múa hạc, múa rùa, diễn hề và nhiều trò khác nữa. Các cụ già thì bảo: đấy là điệu múa của Long, Ly, Quy, Phượng. Bọn trẻ con thì thích nhưng chẳng hiểu gì cả. Người lớn nói: Nó mang đậm nét của bản sắc văn hoá dân tộc Việt nam.

Nhìn vào các hoạt động của Hội Long vân lúc đó, người ta đánh giá rất cao khối đại đoàn kết keo sơn trong khối cộng đồng người Việt nam ở nước ngoài. Về tinh thần yêu Nước, yêu Tự do, yêu Hoà bình, yêu đồng loại. Nhất là tình yêu Quê hương, luôn hướng về Quê cha, Đất tổ của người Việt nam sống xa Tổ quốc. Hồi ấy, một người ốm nằm viện thì hàng trăm người đến thăm hỏi, giúp đỡ. Một người qua đời thì hàng ngàn người  đến tiễn đưa, phúng viếng. Cùng thời, các Tỉnh bộ được thành lập với mục đích đùm bọc, giúp đỡ người cùng Tỉnh, cùng làng. Đông nhất vẫn là Tỉnh bộ Nam định và Thái Bình, tiếp đến lầ các Tỉnh bộ Hải dương, Kiến an, Hưng yên, Ninh bình, Hà nam, Bắc ninh v.v... 

Tất cả những cái đó bây giờ giống như một giấc mơ mà thôi. Con cháu người chân đăng còn lại ở Tân đảo nay là Vanuatu, nhiều người trở nên giầu có. Nhưng tinh thần cộng đồng thì đã khác xưa nhiều rồi.

Bây giờ nếu ai đó có điều kiện về Việt nam, thì may ra cũng chỉ xem được múa rồng và sư lân mà thôi. Không thể nào tìm đâu ra được những điệu múa của các chú hạc, rùa như ở Tân đảo hồi ấy nữa. Và chắc cũng không thể có Lân phun lửa như ở Tagabê đâu các bạn ạ.

Thầy giáo Phạm văn Chúc và Đội trông Ngũ lôi của cộng đồng người Công giáo VN

Như vậy Khánh hội Long vân đã đi vào lịch sử về đời sống tinh thần và văn hoá của người dân phu mộ Việt nam ở Tân đảo. Xin tạm kết thúc ở đây. Mong rằng sẽ nhận được nhiều ý kiến phê bình, đóng góp để cho câu chuyện được thêm phần cụ thể và súc tích hơn nữa. Xin trân trọng cảm ơn quý vị.



Xin chân thành cảm ơn quý vị đã thăm Blog. Để biết thêm về đất nước Vanuatu, xin mời bấm vào link này để xem tập ảnh của jeanvanjean:

 http://www.panoramio.com/user/5191672.
Hãy click trực tiếp vào ảnh để phóng to xem cho rõ. Xin đa tạ...

 



 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 



 





8 commentaires:

  1. Ce commentaire a été supprimé par l'auteur.

    RépondreSupprimer
  2. Xin chảo và cảm ơn Việt Quân đã nhiệt tình chia sẻ và giúp đỡ. Thú thực là hôm qua khi post bài mình cũng sơ ý không rà soát lại cẩn thận.
    Còn về cách viết thì cũng xin nói thực thế này: nếu dùng từ ngữ như ở VN hiện nay thì nhiều ý lại không hợp với tình cảnh thời đó. Lý do khác là trình độ văn hoá và cách ăn nói của bà con Việt kiều Tân đảo hiện nay cũng không khác xưa là mấy. Thí dụ: nói "hoành tráng" thì không ai hiểu là gì thay vì nói: "to đẹp" thì họ hiểu ngay. Hoặc "bất khả kháng" cũng vậy v.v... Cho nên khi viết mình cũng cố gắng lựa chọn ngôn từ cho thích hợp. Nhiều lúc cũng phải mầy mò tra tự diển tiếng việt trên mạng đấy VQ ạ. Mình sẽ đọc lại và sửa những sai sót tồn tại.
    Xin chúc VQ và GĐ vui khoẻ và hạnh phúc.

    RépondreSupprimer
  3. Chào anh Đại! Anh viết sớm thế!
    Trang này anh bố cục đẹp! Cỡ, mầu chữ, có kích thước ai xem cũng được. Vẫn phải nói lại là kho ảnh của anh không phải ai cũng có, đó là giọt thời gian còn đọng lại của một con người muốn giữ ký ức da vàng. Còn ngôn từ rất hợp với em! Chúc anh cùng gia đình anh khỏe mạnh hạnh phúc.

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. Xin chào và cảm ơn Việt Quân đã nhiệt tình chia sẻ và có sự đồng cảm để động viên. Về "kho ảnh" của mình thì cũng có thể gọi là "phong phu" do sở thích sưu tầm ảnh cũ. Nhưng một số ảnh quan trọng mình đã phải liên lạc với bạn bè quen biết từ nhỏ như cô Virginia Lee, ông Khanh Thông (đã qua đời) để sao chụp và một số bạn bè khác. Ngoài ra cũng phải tìm lục trên internet đấy. Thân ái chào và chúc VQ vui khoẻ, may mắn.

      Supprimer
  4. Bài viết cuả a Đại chỉ là mô tả nhưng với các tên tuổi, hình ảnh rất chi tiết, giản dị mà sao vẫn gây xúc động thực sự với người đọc, nhất là với con cháu CĐ...
    Có lẽ cũng có phần nào như a Đại kính phục các bậc cha mẹ mình xen lẫn với tinh cảm xót thương cho số phận tha phương cầu thực, nhớ nhà nhớ nước của các Cụ...
    Những kỷ niệm hơn 50 năm trước ở TTG (Nlle-Calédonie)về những nét văn hóa truyền thống, những tiết mục "cây nhà lá vườn" lại vọng về, làm sống lại những kỷ niệm đơn sơ thời thơ ấu...
    Tuy cũng muốn kể lại như a Đại về những năm tháng ấy nhưng vì khi đó còn ít tuổi quá nên ko được biết những sự kiện trước 1944 và cũng ko nhớ được nhiều như anh. Cảm ơn anh nhiều.

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. Xin chào và chân thành cảm ơn bạn Minh Giao đã ghé thăm.
      Thực sự, mình rât xúc động được các bạn chia sẻ và động viên với những lời lẽ chan chứa tình cảm của con cháu người "chân đăng", của những người đã từng sinh sống như bọn mình ở nước ngoài.
      Trong những năm 1958-1960, mình đã có may mắn được liên lạc với anh Nguyễn Đình Huấn - nguyên là Chủ tịch đoàn Thanh thiếu niên Ái quốc Tân Thế giới. Sau này mình được nghe nói là anh Huấn ở phố Khâm thiên Ha nội. Nhưng không có dịp gặp lại. Chả là hồi đó mình cũng phụ trách TTN Ái quốc ở Tân đảo mà.
      Đúng đấy MG ạ. Nhiều bài viết của mình đều ít nhiều mong muốn vinh danh công ơn to lớn của các bậc cha mẹ, chú bác chân đăng thời nô lệ. Còn hoàn cảnh thì TTG và TĐ không khác nhau mấy, cụ thể là trong cuốn "Chân đăng" và "Fils de Chan dang" của Jean Vanmai đã miêu tả. Về trí nhớ của mình thì cũng bình thường thôi, nhưng tại sao có được những tư liệu đó. Chỉ là vì mình đã chịu khó tiếp cận và thu thập thông tin ở những người có tuổi thời bấy giò mà thôi. Mặt khác, mình mong muốn làm sống lại một phần cái dĩ vãng đã đi vào lịch sử của người chân đăng, của một trang sử hào hùng mà các cụ là những hình ảnh tiêu biểu và sống động. Bây giờ mình đã thực hiện đựoc một phần mục tiêu đề ra, tức là đã bắt đầu liên lạc được với thế hệ con cháu của các cụ, những người chân đăng phu mộ đã làm nên "lịch sử".
      Xin cảm ơn và chúc bạn Minh cùng gia đình lui vui khoẻ và hạnh phúc.

      Supprimer
  5. Minh chưa bao giờ được sang Nlles-Hébrides nhưng đã được đọc cuốn "De la Mélanésie au VN..." của b ĐSH. Nay lại đọc blog và web của anh càng hiểu và thương các cụ bao nhiêu !
    Qua các thông tin đó thấy có lẽ ở N-H các cụ CĐ có phần còn khổ hơn cả các cụ ở NC chăng !?

    P.S: a NĐHuấn (con ôbà Hai Các) sau này đã định cư ở Đức nhưng cách đây dăm bảy năm về VN chơi lại bị 1 crise cardiaque và mất tại VN. Đông dảo ache VK đã đến đưa tiễn anh ! Hiện nay chị Gái - vợ anh và các con a Huấn vẫn ở Đức.

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. Xin chân thành cảm ơn bạn MG đã chia sẻ với tâm tư tình cảm sâu đậm dành cho các bậc cha chú chân đăng thời kì nô lệ.
      Mình nghĩ cái "khổ" của TĐ và TTG cũng tương tự giống nhau vì đều bị áp bức dưới roi gân bò và nắm đấm của cai ký. Ở TĐ thì dân cu-li làm việc trong các khu rừng thiêng, nước độc. Ở TTG thì trong các hầm mỏ bất cứ lúc nào cũng có nguy cơ sập hầm, xe goong trật bánh v.v...

      Xin thành tâm kính viếng hương hồn anh Huấn và chia sẻ nỗi đau buồn với GĐ chị Gái và anh chị em niaoulis. Thực sự bây giờ mình mới biết tin này.

      Supprimer